Trong thời đại kỹ thuật số, hệ thống truyền thanh tại các địa phương đang được tích cực chuyển đổi, ứng dụng công nghệ mới nhằm thúc đẩy hiệu quả thông tin, tuyên truyền tại cơ sở. Chuyển đổi sang mô hình truyền thanh thông minh là xu hướng tất yếu
Những năm qua, hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy vai trò tích cực, chuyển tải kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân, cung cấp các thông tin về dự báo thời tiết, thủy lợi, bão lụt, giúp bà con nông dân giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Qua đài truyền thanh cơ sở, người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời các thông tin chính thống về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…
Tuy nhiên, hệ thống truyền thanh cơ sở trước đây bộc lộ nhiều hạn chế như: dễ hỏng hóc, khó sửa chữa, bảo dưỡng; Vùng phát thanh bị giới hạn (trong phạm vi 3-5km đối với FM hữu tuyến và 10-15km đối với FM vô tuyến); Không lắp đặt được các cụm loa ở vùng sâu vùng xa; Chất lượng âm thanh không ổn định, lẫn tạp âm, chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết và phụ thuộc vào công suất máy tăng âm. Cán bộ vận hành hệ thống phải có mặt tại chỗ khi đến giờ phát; Hệ thống không phân cấp tới từng cụm loa, có thể bị chèn sóng, phát thông tin không mong muốn…
Trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ngay tại Việt Nam, việc đưa vào sử dụng giải pháp truyền thanh thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0 hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại, góp phần xây dựng hệ thống hạ tầng thông minh tại Việt Nam.
Việc đưa vào sử dụng giải pháp truyền thanh thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0 hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại, góp phần xây dựng hệ thống hạ tầng thông minh tại Việt Nam. Ảnh: MBF
Giải pháp truyền thanh thông minh sử dụng thiết bị IoT và hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây, có thể thay thế và khắc phục hoàn toàn những nhược điểm của truyền thanh truyền thống.
Truyền thanh số không dây thế hệ mới sử dụng sóng di động 3G/4G của mạng viễn thông để truyền tải dữ liệu âm thanh từ hệ thống tập trung đến các cụm loa. Hệ thống không cần sử dụng máy tăng âm, máy phát sóng, cột ăng-ten, tủ điện, dây dẫn, bảng phân tuyến…
So với hệ thống phát thanh vô tuyến và hữu tuyến trước đây, loại hình truyền thanh thông minh mới có nhiều ưu điểm vượt trội như: không cần dây dẫn, gọn nhẹ, dễ điều khiển, vận hành thiết bị, chất lượng âm thanh rõ ràng. Việc tạo lập, kiểm soát, thu âm phát thanh từng bản tin trở nên dễ dàng, nhanh chóng; Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian, công sức trong vận hành đài.
Cùng với sự phát triển của các công cụ thông tin, tuyên truyền khác, hệ thống truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông thế hệ mới đang được coi là giải pháp đột phá về chuyển đổi số của hệ thống đài truyền thanh tại cơ sở.
Các địa phương tích cực chuyển đổi sang hệ thống truyền thanh thông minh
Nhằm thúc đẩy vai trò của hệ thống thông tin, tuyên truyền tại cơ sở và thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm tại Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin”, từ năm 2019 đến nay, quá trình chuyển đổi, triển khai thí điểm hệ thống truyền thanh thông minh đã diễn ra rất tích cực. Nhiều địa phương trên cả nước đã áp dụng mô hình đài truyền thanh thông minh và bước đầu mô hình này mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao chất lượng công tác truyền thanh ở cơ sở.
Tại Hà Nội, ngay từ năm 2017, UBND TP đã ban hành Quyết định số 5133/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo đó, các phường thuộc các quận duy trì từ 5-10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa), vị trí lắp đặt loa do UBND quận căn cứ điều kiện thực tế để quyết định.
Đề án cũng thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phục vụ công tác thông tin cơ sở, từng bước thay thế hệ thống truyền thanh tại các phường thuộc nội thành, sau đó dần mở rộng. Hiện nay, Hà Nội có hàng trăm đài truyền thanh cơ sở tại các xã, phường, thị trấn, cung cấp thông tin thiết yếu đến nhân dân và đây được xem là kênh chủ lực trong công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở.
Trong khi đó ở Huế, hệ thống truyền thanh thông minh đã được lắp đặt tại một số xã, phường, phát huy hiệu quả tốt hơn trong việc truyền tải tin tức, thông tin tuyên truyền đến người dân. Đến tháng 6/2023, tỉnh có 287 cụm loa phát thanh thông minh do Phòng Thông tin-Báo chí-Xuất bản quản lý nội dung, phát thí điểm hàng ngày từ 7h00-7h05. Các bản tin chủ yếu về thông báo dịch bệnh, cảnh báo cháy…
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 5 xã sử dụng hệ thống đài Truyền thanh ứng dụng Công nghệ thông tin-Viễn thông (đài truyền thanh thông minh) với 38 cụm được lắp đặt, trong đó có 4 xã được Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup và Tổng Công ty Viễn thông Mobifone tài trợ (xã Suối Bạc – huyện Sơn Hòa, xã Hòa Thịnh – huyện Tây Hòa, xã An Nghiệp – huyện Tuy An, xã Xuân Phương – thị xã Sông Cầu) và một xã tự lắp đặt hệ thống đài truyền thanh thông minh (xã Xuân Lộc – thị xã Sông Cầu).
Tại Tiền Giang, huyện Tân Phước hiện có 4 trạm truyền thanh thông minh ở các xã Tân Hòa Tây, Tân Hòa Đông, Tân Lập 1, Tân Lập 2, tổng cộng 24 cụm loa với 87 loa đang hoạt động. Đội ngũ cán bộ truyền thanh ở xã liên tục được tập huấn cập nhật những kiến thức mới để vận hành hệ thống loa tốt nhất.
Vĩnh Phúc có 15 cụm phát thanh trên các thôn, xóm thuộc địa bàn xã Lãng Công, huyện Sông Lô đã triển khai lắp đặt thí điểm hệ thống truyền thanh thông minh. Ứng dụng quản lý được cài đặt trên smartphone của cán bộ văn hóa xã vận hành hệ thống.
Thành phố Lào Cai đã thực hiện lắp đặt 50 cụm loa tại 7 xã trên địa bàn Thành phố. Việc cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở là yêu cầu cấp thiết đối với cả chính quyền và người dân trong chiến lược xây dựng đô thị văn minh, nông thôn hiện đại.
Hàng loạt các địa phương khác như Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Ninh Thuận… cũng đang triển khai thí điểm mô hình truyền thanh thông minh một cách tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực.
Việc triển khai hệ thống truyền thanh thông minh cho thấy tính chủ động của các địa phương trên cả nước trong lĩnh vực thông tin cơ sở. Thông tin truyền thanh cơ sở vẫn sẽ là “cánh tay nối dài” của lĩnh vực báo chí.
Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ số vào hệ thống truyền thanh cơ sở góp phần truyền tải thông tin đến người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân trong thời đại 4.0 hiện nay.