Sundar Pichai, CEO Google, cho rằng AI sẽ là thay đổi công nghệ lớn nhất con người từng chứng kiến, có thể lớn hơn cả Internet.
Google đang kỷ niệm 25 năm thành lập (4/9/1998), đánh dấu hành trình mang tính cách mạng trong lịch sử Internet. Hãng đóng vai trò là trung tâm trong cách thức hoạt động của thế giới web khi hỗ trợ tra cứu và truy cập thông tin cần tìm kiếm trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, Sundar Pichai, người đứng đầu công ty từ 2015, lại tập trung nói về AI, cho rằng đây mới là vấn đề đáng chú ý nhất lúc này.


“AI sẽ là sự thay đổi công nghệ lớn nhất mà chúng ta chứng kiến trong đời, một sự thay đổi có thể lớn hơn cả Internet”, ông viết trên blog.
Google đã tham gia lĩnh vực AI nhiều năm, đặc biệt sau khi mua lại công ty AI DeepMind có trụ sở ở London với giá hơn 500 triệu USD năm 2014. Tuy nhiên, sau khi ChatGPT ra mắt cuối 2022, Google rơi vào thế bị động. Công ty được cho là rất kinh ngạc trước sự tác động của AI với công chúng, đến mức Sundar Pichai phải ban hành mã đỏ. Nhà sáng lập Sergey Brin vốn đã “ở ẩn” cũng phải quay lại văn phòng thường xuyên trong năm nay để trực tiếp điều hành các dự án AI của công ty.
Theo CEO Google, AI đại diện cho sự kết nối cơ bản của công nghệ và là công cụ giúp tăng tốc đáng kinh ngạc cho khả năng của con người. Công ty cũng đã ra mắt chatbot Bard vào tháng 2 nhưng chưa thành công. Google cũng đang lên kế hoạch phát hành mô hình AI mới mang tên Gemini để cạnh tranh với mô hình GPT đang được dùng trên ChatGPT.
Sundar Pichai cho rằng làm cho AI trở nên hữu ích hơn đối với con người và triển khai công nghệ này một cách có trách nhiệm là nhiệm vụ quan trọng nhất. Đây là cách Google sẽ thực hiện sứ mệnh của mình trong 10 năm tới cũng như trong tương lai.
Xem thêm:
- Sam Altman trở lại hội đồng quản trị OpenAI sau gần 4 tháng sóng gió
- Telesale cần làm những gì? Tìm hiểu sâu hơn về ngành Telesale
- MobiEdu – Nền tảng học trực tuyến của MobiFone được công nhận Nền tảng số quốc gia tiềm năng
- Tại sao tổng đài di động tiết kiệm cước phí so với tổng đài cố định?
- Tăng hiệu lực và hiệu quả xử lý công tại tại Bộ Tài Chính