Thực tế cho thấy số lượng cá nhân có chữ ký số so với quy mô dân số của Việt Nam còn khá khiêm tốn dù tỷ lệ này đã có nhiều chuyển biến tích cực trong vài năm gần đây. Vì thế, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sử dụng chữ ký số đang trở nên cấp bách để xây dựng xã hội số.
Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số còn thấp
Thời gian gần đây, chữ ký số (CKS) ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và cá nhân trong việc xác định tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch, trên môi trường điện tử.
Việc tăng cường sử dụng CKS trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục, các dịch vụ hành chính công… đã được nhận định là “chìa khóa” để tạo nên công dân số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.
Theo thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), đến nay Bộ TT&TT đã cấp phép cho 25 DN cung cấp dịch vụ chứng thực CKS (CA) công cộng, trong đó có 10 DN cung cấp giải pháp ký số từ xa. Tính đến tháng 7/2024, các CA công cộng đã cấp hơn 10,1 triệu chứng thư số cho người dân và DN, tăng hơn 1,5 triệu so với cuối năm ngoái.
Tính đến hết tháng 7/2024, tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số đạt 13,5%, có khoảng 7,45 triệu chữ ký số.
Đáng chú ý, đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cho hay, tình hình xã hội số giai đoạn 2022 – 2024 đã có những chuyển biến tích cực. Tính đến hết tháng 7/2024, tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có CKS đạt 13,5%, có khoảng 7,45 triệu CKS. Như vậy, tỷ lệ dân số trưởng thành của Việt Nam có CKS đã tăng khoảng 4 lần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình hình hiện tại so với mục tiêu đề ra vẫn còn khoảng cách lớn.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Lê Minh Quốc, nguyên Giám đốc công nghệ Công ty MK Smart thuộc Tập đoàn MK, cho rằng tỷ lệ CKS ở người trưởng thành khó đạt kỳ vọng xuất phát từ nguyên nhân người dân chưa thực sự nhìn nhận, tin tưởng tác dụng của CKS, môi trường ứng dụng CKS tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Thực tế, CKS cá nhân mới chỉ được sử dụng chủ yếu trong một dịch vụ khai và nộp thuế qua mạng; kê khai hải quan điện tử và các dịch vụ bảo hiểm xã hội điện tử.
Trong khi đó, mặc dù ứng dụng dịch vụ công trực tuyến hiện đã được đẩy lên mức độ 3 và mức độ 4, song nhìn chung nhiều dịch vụ không bắt buộc cá nhân phải xác thực bằng CKS. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục hành chính, văn bản, giấy tờ vẫn chưa được chuyển đổi hoàn toàn trên môi trường điện tử, dẫn đến nhu cầu định danh điện tử vẫn chưa thực sự phổ biến.
Ngoài trở ngại là người dân chưa nhìn nhận đầy đủ lợi ích của CKS, việc lựa chọn giữa nhiều nhà cung cấp chứng thực CKS; còn một trở ngại khác là chi phí cho CKS khá cao, chưa thực sự phù hợp với thu nhập của người dân, trong khi môi trường sử dụng chưa nhiều. Nếu người dân phải mua gói CKS hết 1 – 2 triệu đồng nhưng 1 năm chỉ sử dụng vài lần, sau đó hết hạn lại phải mua gói mới, như thế rất tốn kém.
Cũng theo ông Quốc, nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, bao gồm cả ngân hàng hay mua sắm trực tuyến, hiện vẫn chỉ là các lĩnh vực có tiềm năng thúc đẩy sử dụng CKS cá nhân. Vì thế, để phổ cập CKS cho người dân, mở rộng môi trường ứng dụng chữ ký số là một trong những bài toán cần được giải.
Phổ cập chữ ký số để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập tương đối hoàn thiện hành lang pháp lý để hướng dẫn, đẩy mạnh sử dụng CKS trong các giao dịch điện tử. Đơn cử như Thông tư 16/2019/TT-BTTTT chính thức cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS từ xa và dịch vụ chứng thực CKS trên thiết bị di động mang lại thuận tiện cho người dân trong tiếp cận CKS.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) năm 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã tăng cường tính pháp lý của CKS và đẩy mạnh hiện diện của chữ ký điện tử (CKĐT) trong nhiều dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính.
Với vai trò là cơ quan điều phối chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã nhận thức rõ tầm quan trọng, sự cần thiết của việc phổ cập CKS để phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
- Tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp bằng các chính sách tài chính
- Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản tại Việt Nam hiện nay ra sao?
- MobiFone eContract – Dịch vụ hợp đồng điện tử hàng đầu 2023
- Lỗi chứng thư số bị thu hồi và cách giải quyết triệt để nhất
- Thúc đẩy phát triển giao dịch số quốc gia nhờ Chữ ký số