Tại Webinar “Phát hiện lỗ hổng trong ký kết hợp đồng” chiều 17/12, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương vừa chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về định hướng phát triển và ứng dụng hợp đồng điện tử an toàn.

Hop dong dien tu.jpg
Nhiều doanh nghiệp còn ngại rủi ro khi sử dụng hợp đồng điện tử.

Theo ông Đức Anh, quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý cho hợp đồng điện tử tại Việt Nam đã diễn ra từ lâu.

Năm 2005, Luật Giao dịch điện tử đã công nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.

Năm 2013, Nghị định số 52 của Chính phủ về thương mại điện tử quy định chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại có giá trị pháp lý như bản gốc nếu đáp ứng cả hai điều kiện: Có sự bảo đảm đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử từ thời điểm thông tin được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng chứng từ điện tử; đáp ứng quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử.

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 85 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52. Trong đó quy định rõ quy trình và chính thức cấp đăng ký cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) có đề án hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thư hợp đồng điện tử được Bộ Công Thương thẩm định. Các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử chịu trách nhiệm về tính bảo mật và toàn vẹn của chứng từ điện tử mà mình lưu trữ và chứng thực.

Năm 2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 01, hướng dẫn quy chế hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; hình thức công bố danh sách các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam.

Ngày 16/6/2022, Bộ Công Thương chính thức ra mắt Trục Phát triển hợp đồng điện tử quốc gia (www.CeCA.gov.vn).

Năm 2023, Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định và làm rõ các nội dung gồm: Vai trò chữ ký số, dấu thời gian, dịch vụ tin cậy là nền tảng công nghệ cung cấp hạ tầng cho giao dịch điện tử trong các lĩnh vực; Hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thương mại tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử; Mô hình toàn trình để đảm bảo hợp đồng điện tử an toàn…

Năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 48 với những điểm nhấn như: Nền tảng liên thông cơ sở dữ liệu định danh xác thực và chữ ký số; Đặt mục tiêu đến năm 2025, 80% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử, và đến năm 2030 nâng tỷ lệ lên 100%.

“Chính phủ đã cho phép liên thông các hệ thống định danh xác thực, đặc biệt là hệ thống định danh xác thực của Bộ Công an với các nền tảng chữ ký số. Từ đó cho phép khách hàng cá nhân có thể sử dụng chữ ký số có liên kết với VneID của Bộ Công an để giao kết hợp đồng. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam”, ông Đức Anh khẳng định.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Bộ Công Thương đang phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ hợp đồng điện tử để tiếp tục mở rộng phạm vi ứng dụng của hợp đồng điện tử.

“Chúng tôi đang làm việc với các tổ chức cho phép ký hợp đồng điện tử ở hơn 180 nước trên thế giới. Đầu quý 2/2025 sẽ công bố hoạt động này, cho phép doanh nghiệp Việt có thể ký kết hợp đồng điện tử với doanh nghiệp ở các nước trên thế giới”, ông Đức Anh thông tin thêm.